Các món ăn giàu dinh dưỡng cho bé

Các món ăn giàu dinh dưỡng cho bé

Friday, 28/01/2022

Từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể ăn dặm với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Chú ý chọn các món ăn dinh dưỡng cho bé, kết hợp với việc chế biến đúng cách, ngon miệng sẽ giúp bé phát triển toàn diện, khỏe mạnh và thông minh hơn.

1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong thời gian dài có thể dẫn tới suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, đặc biệt là các vi chất cơ bản như kẽm, canxi, sắt, vitamin A, B, C, D, i-ốt, selen,... Điều này khiến trẻ chậm tăng trưởng về chiều cao, cân nặng, chậm phát triển nhận thức hoặc gặp phải những hậu quả nghiêm trọng khác.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý tới việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp bé mau tăng cân, có sức khỏe tốt. Những nguyên tắc cần nhớ trong cách nấu ăn cho trẻ là:

  • Ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: Tinh bột giúp cung cấp năng lượng (có trong gạo, mì, khoai tây, ngũ cốc,...), chất đạm giúp xây dựng các mô và tế bào (có nhiều trong cá, thịt, trứng, sữa, các loại đậu), chất béo giúp bổ sung năng lượng (hàm lượng cao trong dầu thực vật, mỡ động vật) và chất xơ giúp làm sạch đường tiêu hóa, điều hòa đường huyết (rau xanh, hoa quả);
  • Tăng cường thực phẩm bổ dưỡng, chế biến phù hợp với lứa tuổi;
  • Có thể thêm dầu mỡ vào đồ ăn để trẻ hấp thu tốt hơn các vitamin D, E;
  • Ăn thêm bữa phụ;
  • Không ép trẻ ăn.

2. Các loại thực phẩm giàu dưỡng chất cho bé

2.1 Các loại rau, củ, quả

Ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm, cha mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại rau để trẻ sớm quen với mùi vị của rau và dễ ăn khi lớn lên. Rau, củ, quả cũng có nhiều màu sắc, giúp bữa ăn của bé trở lên thú vị hơn. Đặc biệt, các loại rau, củ, trái cây chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, chống lại nhiều bệnh tật.

Một số loại rau, củ, quả tốt cho bé là:

  • Cải bó xôi: Cung cấp sắt, canxi, axit folic, vitamin A và C - rất tốt cho việc phát triển xương và não bộ của trẻ;
  • Khoai lang: Giàu vitamin B, C, E và các vi chất canxi, kali, sắt, tinh bột và chất xơ - tốt cho hệ tiêu hóa;
  • Trái bơ: Có chứa chất béo bão hòa đơn giúp giảm cholesterol gây hại cho tim; chất xơ hòa tan có tác dụng ngăn ngừa táo bón; vitamin E giúp ngăn ngừa ung thư;
  • Chuối: giàu kali, vitamin B6, vitamin C, canxi và sắt;
  • Cà rốt: Có hàm lượng beta - carotene cao. Đây là chất có thể chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ;
  • Trái cây họ cam quýt: Bao gồm cam, chanh và bưởi. Đây là nguồn vitamin C dồi dào, giúp tăng cường sản xuất collagen có trong cơ bắp, xương và các mô cơ thể khác. Ngoài ra, vitamin C còn giúp vết thương nhanh lành, hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt từ các loại thực phẩm khác;
  • Các loại đậu: Đậu lăng, đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan,... cung cấp nguồn protein và sắt dồi dào cho bé.

2.2 Các loại cá

Cha mẹ có thể cho trẻ ăn cá từ thời điểm bé bắt đầu ăn dặm. Cá là nguồn protein, vitamin và khoáng chất dồi dào. Đồng thời, các axit béo Omega-3 có trong cá hồi và cá thu rất tốt cho sức khỏe tim mạch và hỗ trợ sự phát triển trí não của bé.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý có một số loại cá mà trẻ không nên ăn. Đó là cá mập, cá kiếm,... vì chúng có hàm lượng thủy ngân cao, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thần kinh đang phát triển của trẻ. Các loại cá hồi, cá mòi, cá ngừ,... tuy tốt cho trẻ nhưng chúng cũng có thể chứa một lượng thủy ngân thấp nên cha mẹ cần giới hạn khẩu phần ăn của trẻ, chỉ nên ăn 1 - 2 lần/tuần.

2.3 Thịt gia cầm và thịt đỏ

Thịt là nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa nhiều vi chất tốt cho sức khỏe của trẻ như sắt, kẽm,... Phụ huynh có thể cho trẻ ăn thịt gia cầm (gà, vịt) hoặc thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê,...) ngay khi bé ăn dặm từ thời điểm 6 tháng tuổi. Khi chế biến thịt cho trẻ cần đảm bảo nấu chín và loại bỏ sạch xương.

2.4 Trứng

Lòng trắng trứng chủ yếu là protein, còn lòng đỏ cung cấp kẽm, vitamin A, D, E và B12 cho bé. Ngoài ra, lòng đỏ trứng còn có chứa choline - một chất rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí não của trẻ.

2.5 Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sau khi trẻ bắt đầu theo chế độ ăn dặm, cha mẹ vẫn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức cho tới khi trẻ được ít nhất 1 tuổi. Sau đó, các bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú hoặc cho bé uống sữa bò thay thế. Sữa, đặc biệt là sữa chua cung cấp nhiều protein và canxi, giúp củng cố xương và răng, hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ chống lại các vi khuẩn có hại trong đường ruột.

3. Một số món ăn dinh dưỡng cho bé

Sau đây là cách chế biến một số món ăn dinh dưỡng cho bé, giúp trẻ tăng cân và phát triển chiều cao theo thước đo tăng trưởng:

3.1 Canh thịt bò rau củ

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 200g thịt bò, 10g đậu Hà Lan, 2 củ khoai tây, 1 củ cà rốt, 1⁄2 của dền, cần tây, giá đỗ, dầu ăn và gia vị;
  • Rửa sạch thịt bò, thái thành từng lát mỏng rồi ướp với một chút dầu ăn và hạt nêm cho thấm đều gia vị;
  • Rửa sạch, gọt vỏ và thái miếng nhỏ vừa ăn các nguyên liệu khoai tây, cà rốt và củ dền. Đồng thời, rửa sạch đậu Hà Lan. Sau đó, đem tất cả các loại rau củ luộc chín với một chút muối. Với giá đỗ và cần tay - rửa sạch, ngâm muối rồi để ráo;
  • Phi hành với dầu ăn, khi đã có mùi thơm thì cho thịt bò vào xào chung tới khi thịt săn lại thì cho nước vào nấu mềm. Tiếp theo, cho khoai tây, cà rốt, đậu, giá đỗ và cần tây vào, nêm gia vị vừa ăn. Tắt bếp khi nước sôi trở lại;
  • Múc canh thịt bò rau củ ra tô, trang trí đẹp và cho trẻ ăn cùng với cơm trắng.

3.2 Cháo tim với mướp

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 50g gạo nếp, 50g tim lợn, 50g mướp, dầu ăn, gia vị vừa ăn;
  • Tim lợn đem rửa sạch, băm nhỏ và ướp gia vị rồi xào chín với dầu ăn;
  • Mướp đem gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt hạt lựu;
  • Vo gạo nếp, thêm một lượng nước vừa đủ, nấu nhừ cháo gạo nếp;
  • Khi cháo chín nhừ thì cho tim lợn, mướp vào, đảo đều tay cho tới khi cháo sôi lại và mướp chín;
  • Múc cháo ra tô, cho trẻ ăn khi còn nóng ấm.

3.3 Súp gà ngô ngọt

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 50g thịt gà (chọn phần thịt trắng), 30g ngô ngọt, 30g cà rốt, 200ml nước dùng gà, 1 quả trứng cút, mộc nhĩ, nấm hương, bột sắn, hành lá và gia vị;
  • Rửa sạch thịt gà, sau đó băm nhuyễn hoặc xé nhỏ;
  • Cho thịt gà vào nước dùng, đun sôi rồi cho cà rốt và ngô vào đun khoảng 5 - 7 phút. Khi cà rốt và ngô chín tới thì đổ nấm hương, mộc nhĩ vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn;
  • Khi nước trong nồi sôi trở lại, hòa một chút bột sắn với nước lọc rồi đổ vào nồi, khuấy đều tay để nước sánh lại;
  • Đập 1 quả trứng cút vào bát, thêm một chút nước, khuấy đều rồi đổ vào nồi, đánh tan trứng trong nồi súp;
  • Cho súp gà vào tô, trang trí và đợi bớt nóng có thể cho bé ăn.

3.5 Cá chép hấp gừng

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 300g cá chép, 20g gừng, dầu ăn và gia vị;
  • Cá chép đem mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch rồi ướp với dầu ăn và gia vị cho vừa ăn;
  • Gừng đem rửa sạch, băm nhỏ;
  • Hấp cách thủy cá chép với gừng tới khi chín;
  • Cho bé ăn cả nước và thịt cá chép. Nên ăn cùng với cơm và các món rau xanh.

3.5 Cháo lươn bí đỏ

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 200g lươn đồng, 100g bí đỏ, 50g gạo tẻ, 30g hạt sen, gừng, các loại gia vị;
  • Rửa sạch lươn với muối và giấm để làm sạch nhớt. Có thể trụng lươn với nước sôi rồi vuốt nhẹ để lọc bỏ da lươn;
  • Vo gạo, để ráo rồi đem rang cho dậy mùi. Hạt sen đem rửa sạch, tách bỏ tim sen. Bí đỏ và hạt sen nên luộc với 1 bát nước cho tới khi mềm;
  • Luộc lươn với gừng để loại bỏ mùi tanh. Khi lươn chín, tách lấy phần thịt lươn. Có thể xào sơ thịt lươn với một chút hành, tỏi;
  • Bắc một nồi nước khác, thả xương lươn vào đun. Khi nước sôi, lọc bỏ cặn và xương lươn, chỉ lấy phần nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Khi cháo chín nhừ, cho thêm nước mắm, muối, hạt nêm cho vừa ăn;
  • Cho thịt lươn, bí đỏ vào nồi, đợi sôi lại thì tắt bếp;
  • Cho bé ăn cháo lươn bí đỏ khi còn nóng ấm.

Các món ăn dinh dưỡng cho bé đều rất đơn giản, dễ thực hiện. Cha mẹ nên đa dạng các loại thực phẩm và cách chế biến để trẻ ăn uống đủ chất, có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Viết bình luận:
Hotline 0347921808
Liên hệ qua Zalo
Messenger
popup

Số lượng:

Tổng tiền: